Trong vật liệu gốm Chromi(III) oxide

Cr2O3 được dùng là chất tạo màu trong vật liệu gốm nhóm tạo màu. Nó luôn cho màu xanh lục (xanh crom) đặc trưng dù nung chậm hay nhanh, môi trường lò oxy hóa hay khử. Tuy nhiên nó cho men màu xanh mờ và nhạt. Nếu có CaO, màu xanh có thể chuyển sang màu xanh cỏ.

Chất làm mờ zirconi với hàm lượng 1–2% thường được thêm vào men có crom để ổn định hoá men và ngăn chặn hiện tượng "viền nâu". Có thể chuyển màu xanh xám của crom thành màu xanh lông công bằng cách thêm coban(II) oxit (1% mỗi loại, có thể phải có thêm một chút MgO), sử dụng trong các loại men chứa bo và natri.

Crom(III) oxit sử dụng trong men có kẽm có khuynh hướng tạo ra kẽm cromat màu vàng đến vàng lục. Crom(III) oxit kết hợp với thiếc cho màu hồng vì vậy nếu cần làm sáng màu xanh crom có thể sử dụng vôi bột trắng và nhôm oxit thay vì dùng thiếc. Màu hồng crom-thiếc sẽ có độ đồng nhất cao nếu hỗn hợp được nung chảy trước (chủ yếu là tạo sự biến màu) và nếu men có hàm lượng calci hay stronti cao (tối thiểu 10% CaO), không có kẽm. Thông thường hàm lượng thiếc oxit khoảng 4–5%, cao hơn crom(III) oxit từ 20 đến 30 lần. Màu hồng crom-thiếc chuyển sang màu tím nếu trong men có lượng đáng kể bo. Nếu men có thành phần là 3,3 SiO2, 0,27 Al2O3, 0,2 B2O3, 0,15 Li2O, 0,5 CaO, 0,1 MgO, 0,15 Na2O được pha màu 5% thiếc oxit, 0,6% coban(II) cacbonat, 0,17% crom(III) oxit sẽ có màu tím đẹp ở mức 6 của que thăm nhiệt.

Crom(III) oxit trong men có hàm lượng chì cao sẽ tạo thành chì(II) cromat màu vàng. Trong men gốc nên có thêm các oxit kiềm thổ. Thêm kẽm oxit sẽ có thể tạo màu cam. Dưới 950 ℃, trong men có hàm lượng chì cao, nhôm thấp, crom(III) oxit cho màu đỏ đến cam, thường có dạng kết tinh bề mặt. Nếu thêm soda màu sẽ chuyển sang vàng.

Crom(III) oxit được sử dụng trong hầu hết mọi loại vết màu đen oxy hóa. Nó có thể chiếm đến 40% trong hệ Cr–Co–Fe và 65% trong hệ Cu–Cr.